Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Trận chung kết của những giọt nước mắt

 Trận chung kết ấy, phía Barca đủ cả Luis Enrique, Luis Figo, Pep Guardiola, Ronaldo… trong khi những Stoichkov, Giovanni và cha của Sergio Busquets ngồi trên băng ghế dự bị, đã được đánh giá cao hơn hẳn PSG. Nhưng họ vượt qua PSG như thế nào? Một bàn thắng ở phút 38 trên chấm 11m nhờ công Ronaldo sau 1 pha bóng đầy tranh cãi. Nếu thời ấy có VAR, chưa chắc trọng tài đã thổi penalty quyết liệt thế. Nhưng thất bại là thất bại. PSG không thể bảo vệ thành công chức vô địch của mình. Còn Barca và Ronaldo thì sao?

Ronaldo vĩnh viễn không bao giờ đoạt chức vô địch Champions League. Còn Barca, họ phải đợi tới tận 9 năm sau mới có thể lên ngôi vô địch Champions League dưới sự dẫn dắt của Rijkaard. Có ai còn nhớ những câu chuyện ấy không? Nhưng tất cả đều còn nhớ Ronaldo, người ngoài hành tinh, cầu thủ có thể nói là một trong số ít cái tên vĩ đại bậc nhất của bóng đá thế giới trong 30 năm qua và đến giờ vẫn là chuẩn mực để thế hệ sau phấn đấu.

Ở cái năm PSG thua Barca tại chung kết cúp C2 ấy, PSG có một cầu thủ Brazil khác. Đó là Leonardo. Leonardo chỉ chơi cho PSG một mùa, rồi sang Milan. Ngày đó, PSG chẳng khác gì Bordeaux, Lyon, Monaco, Nantes…, một trạm chung chuyển tài năng cho các ông lớn châu Âu. Và người Brazil đến Parc des Princes để lập danh không thiếu. Trước Ronaldo béo không chỉ có Leonardo mà còn có cả Rai, thiên thần thực sự, một số 10 đúng nghĩa, em trai của huyền thoại Socrates.

Nhưng một trong những người Brazil tuyệt diệu nhất mà PSG giới thiệu với châu Âu phải là Ronaldinho, tức là “Ronaldo bé nhỏ” theo cách đặt nickname tiếng Bồ. Hai mùa ở PSG đủ làm bệ phóng để sau đó Ronaldinho có một sự nghiệp lẫy lừng ở Camp Nou, một “sự nghiệp tạo ra sự nghiệp” bởi chính Messi cũng nhìn vào tấm gương ấy mà trưởng thành.

Tất cả bọn họ, không có ai khóc trong màu áo PSG cả. Nhưng hôm nay, nước mắt Brazil đã rớt trên màu áo của thủ đô nước Pháp, trong diện mạo Neymar, kẻ bước ra khỏi mùa giải Champions League 2019/20 với một trời tranh cãi.

Bao nhiêu pha bỏ lỡ cơ hội, bao nhiêu sự “rườm rà”, Neymar đều là “thủ phạm” chính. Nhưng có ai nghĩ rằng nếu pha đá phạt bật cột dọc Leipzig của anh trở thành bàn thắng thì sao nhỉ? Đó sẽ là pha đá phạt trực tiếp hay nhất mùa giải, thậm chí vào top đẹp nhất thập kỷ. Sức tưởng tượng của Neymar quả thật vượt qua mọi giới hạn của con người bình thường khi sửa quả bóng ấy. Rất tiếc, nó bật cột dọc.

Nếu nó là bàn thắng, sẽ là ngợi khen ngút trời. Nếu nó bật cột dọc, không ai nhớ nữa. Bóng đá dã man và phũ phàng ở chỗ ấy. Không ai nhớ đến kẻ thất bại, dù kẻ thất bại ấy có vĩ đại đến nhường nào. Trận chung kết Champions League năm nay cũng vậy thôi. Nó là một thất bại đủ để người ta xoá tan mọi thiện cảm cho Neymar, xoá luôn cả suy nghĩ “nếu không có Neymar, liệu PSG có vào đến chung kết?”.

Nếu thay Neymar bằng Coman, liệu PSG có vô địch Champions League lần đầu? Không ai trong chúng ta đặt câu hỏi ấy và trả lời. Chúng ta cũng quên luôn rằng Muller mờ nhạt thế nào, Lewandowski bị Kimpembe vô hiệu hoá ra sao ở trận chung kết. Chiến thắng đủ để chúng ta tha lỗi. Còn thất bại lại quá thừa để chúng ta cười nhạo.

Tuchel đã quá tin tưởng vào phương án Neymar, phương án tái tạo một số 10 đúng chất Brazil, phóng khoáng và tự tại, sáng tạo và tự do, ích kỷ và có thể tạo nên đột biến. Phương án ấy có thể đúng khi đối diện đối thủ dưới tầm. Nhưng khi gặp Bayern, Hansi Flick đã kiềm toả Neymar bằng cách luôn dùng ít nhất hai người để ép anh phải dạt ra biên, nơi khó có thể thi triển nhất. Và ở đó, Neymar trở thành số 0 đúng nghĩa trong khi Tuchel vẫn nghĩ anh là số 10.

Sai lầm của Tuchel là không dám thay anh ra, mà thay vào đó, ông lại thay Di Maria, người chơi thoáng nhất trên hàng công PSG. Song, mỗi người đều có thể vẽ ra một viễn tượng cho mình. Trong viễn tượng của Tuchel, Neymar có thể tạo ra kỳ tích. Nhưng anh không thể cưỡng lại được đối thủ quá mạnh. Và ở tình thế ấy, khi cả thế giới quay lưng lại với Neymar, Tuchel vẫn ôm anh, ủi an, vì ông vẫn tin, PSG cần anh ở tương lai bất chấp giới chủ có còn cần Tuchel không nữa.

Người đầu tiên lại gần Neymar vỗ về là Leonardo. Ông mới là kiến trúc sư trưởng của PSG hôm nay, với những ngôi sao tấn công được đưa về Parc des Princes cho giấc mơ dai dẳng. Và tính đến lúc này, Neymar là một thất bại của PSG (không phải của Leonardo vì thời gian đó ông không làm giám đốc thể thao của PSG) nhưng đó là một thất bại đáng giá. Vì nó lãng mạn. Nó là thất bại của những kẻ dám dấn thân thực sự.

Sẽ không mấy ai dám sử dụng Neymar như thế khi tên tuổi anh gắn liền với việc săn bàn. Nhưng ở PSG, Neymar đang làm sống lại thứ bóng đá Brazil đích thực tưởng đã chết lâu rồi. Đó là thứ bóng đá dám phô diễn, dám lấy vai trò cá nhân ra để đánh cược khi thời gian và tỷ số không ủng hộ đội nhà. Đã bao lâu rồi chúng ta mới chứng kiến một cầu thủ Brazil chơi đích thực chất Brazil đến thế?

Hãy tìm ở Firmino, ở Coutinho, những người thành công bằng danh hiệu với CLB của mình. Họ có làm sống dậy tinh thần tưởng như thất truyền từ sau thời Ronaldino hay không? Và khi chúng ta cứ than thở mỗi kỳ World Cup rằng Brazil không còn là chính mình nữa, chúng ta lại không cho phép một người Brazil làm đúng cái việc anh ta cần làm trong bóng đá chỉ vì anh ta là Neymar, và anh ta mờ nhạt trong một trận chung kết?

Đêm Lisbon, Thiago Silva không khóc. Có lẽ anh quá chai sạn để hiểu rằng nước mắt chẳng mai lại ích gì. Đêm Lisbon, Marquinhos cũng không khóc. Có lẽ vì anh ta hiểu anh ta còn nhiều cơ hội, và anh ta không phải gánh trọng trách của người phất lá cờ đầu. Còn Neymar thì đã khóc, giọt nước mắt Brazil thực thụ.

Neymar khóc vì anh ta không làm được điều mà anh ta mong muốn: dẫn dắt đội bóng đi đến danh hiệu như một thủ lĩnh tuyến đầu. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ khác. Nước mắt ấy có thể là nước mắt cho thứ bóng đá tuyệt diệu mà chúng ta từng lớn lên nhờ nó, thứ bóng đá của những cá nhân dám đảm lãnh mọi chỉ trích chỉ để mong tạo ra điều kỳ diệu và sẵn sàng đối diện khi mong muốn của mình không thành.

Đó cũng là nước mắt cho một số 10, vị trí trên sân từng là mơ ước của bao người, và từng có lúc bị những kẻ xu thời gọi là tuyệt chủng.

Bóng đá vẫn phải là bóng đá, bằng xúc cảm, tưởng tượng và dấn thân, chứ không phải bằng thứ phân tích số hoá lý tính đang lấn át hôm nay, thứ lập loè bên ngoài nhưng thực tế chưa bao giờ biết thế nào là xâu kim, xỏ háng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét